I. KHOA CƠ KHÍ
1. Danh sách cán bộ, giáo viên của khoa
Stt | Họ và tên | Chức danh |
1 | THS. Nguyễn Tâm Hiếu Thanh | Trưởng khoa |
2 | KS. Vũ Văn Hảo | Giáo viên |
3 | ThS. Trần Quang Thạch | Giáo viên |
5 | ThS. Nguyễn Phương Thảo | Giáo viên |
2. Giới thiệu
Khoa Cơ khí được thành lập vào năm 2009 và là một trong những khoa đầu tiên của nhà trường. Hiện nay, với gần 20 giảng viên (cơ hữu và thỉnh giảng) với quy mô hơn 500 học viên khoa Cơ khí trở thành một trong các khoa lớn nhất của Trường Cao đẳng Việt Nam – Hàn Quốc tỉnh Bình Dương về số lượng học viên, đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất.
Với trang thiết bị hiện đại được đầu tư từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc, người học sẽ được thực hành với các phòng chức năng như: phòng Thực hành gia công Cơ khí, phòng Gia công tự động (CNC), phòng thực hành CAD/CAM, phòng Thực hành thủy lực-khí nén, phòng thực hành nhà máy sản xuất tự động, phòng Thực hành điều khiển tự động với PLC, xưởng thực hành hàn công nghệ cao, …
Các giảng viên của khoa là những người có trình độ kiến thức và tay nghề cao được đào tạo trong và ngoài nước như (Việt Nam; Hàn Quốc; Úc…). Hiện tại khoa có tổng cộng 6 giảng viên cơ hữu trong đó có 01 nghiên cứu sinh tiến sĩ, 03 thạc sỹ chuyên ngành 01 giảng viên có trình độ kỹ sư.
Với phương châm “Đào tạo gắn liền với thực tiễn và nhu cầu của doanh nghiệp” sẽ mang đến cho người học môi trường học tập và rèn luyện toàn diện về kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu trong thời kỳ hội nhập của khu vực và thế giới. Định hướng sắp tới Khoa Cơ khí sẽ phấn đấu trở thành một đơn vị đào tạo uy tín, chất lượng của tỉnh nhà và cả nước về lĩnh vực Cơ khí và Tự động hóa trên con đường phát triển toàn diện, bền vững và hội nhập quốc tế.
3. Chức năng, nhiệm vụ
3.1. Chức năng
Đào tạo ở các trình độ Cao đẳng, trung cấp và sơ cấp các nhóm nghề Cắt gọt Kim loại, Cơ Điện tử, Hàn.
3.2. Nhiệm vụ
Thực hiện kế hoạch giảng dạy, học tập và các hoạt động ngoại khóa cho người học.
Biên soạn chương trình, giáo trình; tổ chức đổi mới nội dung, cải tiến phương pháp dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Cơ khí – Tự động hóa.
4. Các ngành nghề đào tạo
4.1. Nghề Cơ điện tử
4.1.1. Ngành Kỹ thuật cơ điện tử là gì?
Cơ điện tử là ngành rất quan trọng và không thể thiếu trong sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại. Ngành học này là sự kết hợp của kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện tử và kỹ thuật máy tính. Người học ngành Cơ điện tử được trang bị các kiến thức về hệ thống điều khiển sản xuất tự động, hệ thống khí nén – thủy lực, hệ thống điều khiển nhúng, hệ thống đo lường và điều khiển thông minh, kiến thức về cảm biến và robot để hình thành nên các giải pháp tự động hoá theo định hướng hệ thống cơ điện tử, sản phẩm cơ điện tử, phân tích và tính toán hệ thống cơ điện tử.

Mô hình đào tạo nhà máy sản xuất tự động của nghề Cơ điện tử
4.1.2. Học ngành Kỹ thuật cơ điện tử ra trường làm gì?
Nhu cầu nhân lực cho ngành Cơ điện tử ngày càng có chiều hướng gia tăng với nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Người học sau khi tốt nghiệp ngành Cơ điện tử có thể đảm nhận các vị trí:
– Nhân viên thiết kế, vận hành hệ thống phần cứng và phần mềm điều khiển máy móc, thiết bị tự động, hệ thống sản xuất tự động.
– Chuyên viên tư vấn công nghệ, thiết kế kỹ thuật, lập trình điều khiển, thi công và chuyển giao các dây chuyền, hệ thống tự động, bán tự động tại các công ty về cơ khí, điện, điện tử.
– Thăng tiến trở thành Trưởng bộ phận kỹ thuật tại các công ty, doanh nghiệp liên quan đến cơ khí, điện tử.
4.2. Nghề Cắt gọt Kim loại
4.2.1. Nghề Cắt gọt Kim loại (Cơ khí chế tạo) là gì?
Khi nhắc tới công việc của nghề cơ khí thì thường có liên tưởng ngay tới sắt thép, liên quan tới các công việc như tiện, phay, bào, hàn…Có thể coi cơ khí là nghề ứng dụng các nguyên lý vật lý để tạo ra các loại máy móc, thiết bị hoặc vật dụng hữu ích.
Người học nghề Cắt gọt Kim loại được thực tập tại xưởng thực hành với thời lượng khá nhiều, chủng loại máy tương đối phong phú, từ các máy tiện, máy phay vạn năng đến phòng học CAD/CAM và các loại máy CNC, vì thế khi ra trường người học có thể tiếp cận được ngay với quá trình sản xuất cơ khí.

Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hành trên máy tiện CNC
4.2.2. Cơ hội việc làm của nghề Cắt gọt kim loại
Người học sau khi tốt nghiệp, có đủ khả năng tham gia vào các vị trí công việc như:
– Làm việc trực tiếp trong các nhà máy sản xuất cơ khí.
– Cán bộ kỹ thuật, tổ trưởng sản xuất, quản đốc phân xưởng trong các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, sửa chữa.
– Nhân viên kinh doanh các sản phẩm cơ khí.
– Nhân viên bảo trì cơ khí trong các nhà máy sản xuất.

Học sinh nghề Cắt gọt kim loại đang thực hành trên máy tiện
4.3. Nghề Hàn
4.3.1. Công nghệ hàn và nhu cầu công việc
Hàn là một phương pháp gia công trong cơ khí, có đặc điểm là có khả năng ghép nối cố định các chi tiết cơ khí ở mọi loại kích thước. Các nhà chuyên môn đã phân loại ra nhiều nhóm kỹ thuật hàn khác nhau như: hàn điện, hàn TIG, hàn MIG – MAG, hàn plasma, hàn điện áp lực, hàn dưới nước, hàn hơi, hàn ma sát… Vì vậy, để thành công trong nghề, người học phải rèn luyện kỹ năng để hàn được nhiều phương pháp hàn khác nhau.

Giáo viên hướng dẫn kỹ năng trước giờ thực hành
4.3.2. Cơ hội việc làm của nghề công nghệ hàn
Những người được đào tạo cho ngành công nghệ hàn có cơ hội nghề nghiệp rộng mở trong các lĩnh vực chế tạo sản phẩm lớn như:
– Công nghiệp dầu khí (chế tạo, sửa chữa các chân đế giàn khoan, các đường ống dẫn dầu, các bể chứa).
– Công nghiệp chế tạo tàu thủy, tàu đường sắt cao tốc.
– Công nghiệp cầu, hầm.
– Công nghệp chế tạo nhà xưởng, giàn, dầm.
– Ngành chế tạo máy công nghiệp

Giáo viên hướng dẫn học sinh trong giờ thực hành nghề Hàn