.png)
Để đi đến thành công, tất cả mọi người phải trải qua một chặng đường mà ở đó có rất nhiều ngã rẽ và chúng ta phải tự chọn ra cho mình một lối đi thích hợp. Khi đứng trước ngã rẽ cuộc đời, nhiều người trong chúng ta không biết sẽ phải chọn hướng đi nào cho bản thân. Có những bước rẽ giúp bạn thành công, có nghề nghiệp ổn định, có cuộc sống khá giả, được nhiều người biết đến… Tuy nhiên cónhững bước rẽ đưa bạn vào ngõ cụt và không thể tìm được lối ra trong mê cung của cuộc đời.
Ngã rẽ nào là tốt nhất cho mỗi chúng ta?
Đây là câu hỏi khó đối với các bạn trẻ đang đứng trước con đường lập thân lập nghiệp của mình trong tương lai. Tư tưởng phải vào được đại học đã ăn sâu vào bao thế hệ học sinh khiến cho phần lớn các em chỉ biết học và đi theo sự mong muốn của người lớn. Nhiều người trong số đó bị choáng trước những nghề “hot”, nhưng lại không biết mình có năng khiếu về lĩnh vực nào và phù hợp với ngành nghề nào. Điều quan trọng nhất các em cần làm là phải xác định lại sở thích và sở trường của bản thân.
Sở thích với ngành nghề là động lực thúc đẩy con người vượt qua những trở ngại khó khăn để đạt được sự thành công. Sở trường là điều kiện giúp con người dễ dàng gặt hái thành công và toả sáng hơn trong nghề nghiệp. Để thành công với một nghề nào đó đòi hỏi mỗi người chúng ta cần phải có cả sơ thích và sở trường. Nếu đến với một nghề mà không có niềm đam mê thì chúng ta không đủ sức mạnh tinh thần để đi đến sự thành công. Hoặc chỉ có sở thích mà bản thân thật sự không có năng khiếu, không có đủ năng lực thì cũng không thể học tốt và phát triển được nghề nghiệp trong tương lai. Xác định được sở thích và sở trường của mình chính là các em đã chọn ra được ngã rẽ riêng cho mình. Ngã rẽ nào không quan trọng, điều quan trọng là nó có thể đưa chúng ta đến đúng đích của thành công đó mới chính là ngã rẽ tốt nhất.
Học đại học hay học nghề?
Để có được một nghề nghiệp ổn định cho cuộc sống sau này thì cánh cửa vào đại học không hẳn là lựa chọn duy nhất. Thực tế hiện nay, tỷ lệ giữa chỉ tiêu tuyển sinh vào đại học, cao đẳng và giữa số đăng ký dự thi là một chênh lệch lớn, không phải bất cứ học sinh nào cũng có đủ năng lực để vượt qua được kì thi đại học đầy cam go và tính cạnh tranh cao như thế. Chưa kể đến việc để vào được đại học thì các em phải trải qua ba năm học cấp 3 đầy căng thẳng mà chưa chắc ai cũng có khả năng tiếp nhận đủ kiến thức để thi vào các trường đại học. Giả sử như các em có thể bước vào cổng trường đại học thì chúng ta lại phải mất thêm ít nhất 4 năm để vật lộn với các kỳ thi mà không phải ai cũng có thể vượt qua và bước ra khỏi cánh cổng ấy với tấm bằng đại học trên tay. Bên cạnh đó, gia đình lại phải gánh thêm các chi phí đắt đỏ khi các em học đại học.
Tuy nhiên những khó khăn đó chỉ là bước đầu, sau khi tốt nghiệp các em phải đối mặt với một xã hội thừa thầy thiếu thợ, hồ sơ xin việc gửi đi hàng loạt các công ty nhưng tất cả chỉ rơi vào im lặng hoặc chỉ nhận được cái lắc đầu khi đi phỏng vấn. Trong khi đó nếu chúng ta chọn học nghề ngay từ khi tốt nghiệp cấp 2 thì sau ba năm các em đã có tay nghề vững vàng và tấm bằng trung cấp nghề để tìm được những công việc có thu nhập khá hoặc có thể học liên thông lên trình độ cao hơn.
Chọn nghề là quyết định quan trọng trong cuộc đời mỗi người, có ảnh hưởng không nhỏ tới tương lai của mỗi cá nhân.
Có thể thấy, trong quá trình chọn nghề, bản thân mỗi chúng ta sẽ gặp phải không ít khó khăn, đắn đo, suy nghĩ. Nhưng một khi đã xác định được mục tiêu cá nhân, dám làm và dám chịu trách nhiệm với cuộc sống của bản thân chắc hẳn bạn sẽ đưa ra cho mình một quyết định đúng đắn, tìm ra hướng đi phù hợp cho tương lai của chính mình.
Lê Ngân